Nhãn

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

HỌ PHẠM ĐÌNH - LÀNG TRÁNG LIỆT BÌNH

HỌ PHẠM ĐÌNH - LÀNG TRÁNG LIỆT BÌNH
Thị trấn Kẻ Sặt,Huyện Bình Giang,Tỉnh Hải Dương


Theo các Cụ kể lại thì Họ Phạm ở Kẻ Sặt phát tích từ Thanh Hóa.
Làng Tráng Liệt được thành lập năm 1626, nơi đất lành chim đậu, nhiều người tới lập nghiệp trong đó có họ Phạm. Làng chia thành Họ và lập 5 Giáp: Tráng, Hưng, Thọ, Phú Cường. Hiện nay đã lên tới 27 Giáp. Giáp Họ Phạm thuộc chữ Cường, sau do đông quá hay vì lý do nào đấy đã phân chia thành 7 Giáp: Cường Trung, Cường Thái, Cường Hòa,Cường Bản, Cường Hữu, Cường Thượng, Cường Đại (sau thêm một số Giáp họ Phạm không mang chữ Cường).
Giáp là một tập thể gồm nhiều gia đình của dòng họ, có quyền lợi chung nhất là về việc tế tự tang chế, hoạt động thuộc về phương diện hành chính nhiều hơn có tư cách pháp nhân, theo điều 284 của bộ Dân luật Bắc kỳ. Cho đến nay đã không còn tìm thấy sự liên hệ của Đại Gia tộc họ Phạm của làng Kẻ Sặt Tráng Liệt.
Họ Phạm con cháu Cụ Tổ Trùm Quyên thuộc Bản Giáp Cường Hữu. Danh sách Bản Giáp còn hiện diện con cháu Cụ Tổ Trùm Quyên, Cụ Tổ Trùm Trúc (Em ruột) và vài Chi nữa nhưng chưa thể tìm được sự liên hệ Họ Tộc. Càng không tìm hiểu được thân thế sự nghiệp của các bậc tiền nhân. Hàng năm Bản Giáp họp Tân niên vào ngày 10 tháng giêng Âm lịch để khai Tân Đinh, Báo cáo công việc trong năm,và giao Trưởng (theo thứ tự vào Giáp).
Năm 1995, Ông Bác Phạm Đình Chức (đời thứ 6) về quê Sặt Bắc cùng với cháu Phạm Văn Thật (đời thứ 8), cải táng những ngôi mộ của họ hàng ở ruộng táng mả đưa về an táng tại Nghĩa trang của Giáo xứ Kẻ Sặt Bắc.Trên Bia Mộ ghi: Con cháu Cụ Tổ ĐaMinh Tổng Trung, gồm 5 chi, các con cháu là 50 bộ cốt:
*       Chi Cụ Tiên Điều: Cụ Tiên Điều, Ông Bà Khán Đích+Ríu, Bà Lục, Ông Thất,Bà Loan, Bà Yến, ÔB Mão, ÔB Đá.
*       Chi Cụ Đội Cù: Ông Lang Niềm, Ô Nhiệm.
*       Chi Cụ Vệ Tèo: ÔB Vinh.
*       Chi Cụ Trùm Lĩnh: ÔB Trùm Văn, ÔB Lĩnh.
*       Chi Cụ Vệ Thành: ÔB Chử, B Đạo, ÔB Luyện, B 2 Vượng.
Phạm Đình Chức, Anh Em Con Cháu lập mộ 23-12-1995 (2-10 Ất Hợi)
Trong thời kỳ bị bách hại và bị phân sáp, làng bị đốt cháy, Gia phả không còn nên không rõ gốc tích dòng họ cùng tiểu sử của các bậc bề trên, qua lời kể Cụ Tổng Chung (Trung) có công với Làng đã hiến nhiều đất đai để xây Nhà thờ và khu nhà xứ nên Ông Bà được an táng tại sân Thánh đường Kẻ Sặt Miền Bắc đến nay vẫn còn bia mộ. Hy vọng lớp con cháu tài hoa sau này sẽ làm được những việc mà cả Tộc họ mong ước.
Tìm lại khởi nguồn của dòng họ Phạm thuộc Kẻ Sặt (Thị trấn Tráng Liệt-Huyện Bình Giang-Tỉnh Hải Dương) chưa tìm thấy một bản ghi chép nào. Tìm kiếm hầu hết những ghi chép của một số dòng họ hiện đang sinh sống tại Kẻ Sặt, đều chỉ viết từ sau năm 1962 (thời cấm đạo Tự Đức). Theo các Cụ của giáp Cường Hữu thì tất cả những ghi chép bị cháy hai lần không rõ vào thời kỳ nào nên không rõ nhũng đời trên.
Bản viết họ nhà do ông Phạm Quang Hóa (tên đúng là Phạm Đình Sắc mà mọi người quen gọi là ông Giáo Sắc, khi đi tu mới đổi tên). Ông đã hỏi người bạn thân của Cụ thân sinh để viết lại vào khoảng năm 1960.
Cụ Cao sinh được 04 người con, 2 trai đầu, 2 gái sau. Con trai trưởng đời thứ 2 là cụ Trùm Quyên, làm bạn cùng cụ Ơn người cùng làng, con trai thứ 2 là cụ Trùm Trúc(các đời sau của Cụ là cụ Nhiêu Mộng và Cụ Nhiêu Mỵ), cả 2 Cụ đều không rõ năm sinh, năm mất. Hai người con gái cũng không rõ tên chỉ biết người con gái thứ 3 chồng là Xuất, chi phái này không ghi rõ, con gái thứ 4 chồng là Cụ Tổng Nguyễn Văn Rạng (con trai trưởng của Anh hùng Tử Đạo Vicente Nguyễn Tất Đạt)
Cụ Trùm Quyên sinh được 01 con trai là cụ Tổng Chung (đời thứ 3) Cụ mất 05/03/1920-06/02/al bia mộ cụ tại sân bên phải Thánh đường Kẻ sặt, Cụ làm bạn cùng bà cụ Độ (mất 10/2/1930 bia mộ bên trái nhà thờ). Hai Cụ sinh được 04 người con , 2 trai,2 gái.
Con gái đầu là Cụ bà Phạm Thị Đào làm bạn cùng ông Chánh Phạm văn Kiền người Làng,Tổ chi thứ 1 này là Ông Phạm Văn Hoàng đời thứ 7 (hiện sinh sống tại nước ngoài là con trai trưởng cụ Lý Nhượng)
Con trai thứ 3 là Cụ Đội Cán (Phạm Đình Cán) sinh được 7 người con :2 gái đầu, 5 trai sau, Tổ chi đời thứ 5 là Cụ Phạm Đình Cù (Lang Niềm), đời thứ 6 là Phạm Văn Niềm sinh một con trai là Phạm văn Huy ở USA (s1952-c4/6/2008)sinh 1 con gái nên đời thứ 7 Tổ chi này chuyển qua Phạm Dần Kháng sinh năm 1950 (con trai trưởng Cụ Phạm Văn Thăng em thứ 5 Cụ Phạm Văn Niềm).
Con gái thứ 4 là Cụ Bà Phạm Thị Nhung làm bạn cùng ông nhiêu Đào Văn Khái sinh được 6 người con, chồng sau là ông giáo Chu Văn Tín sinh được 1 con gái .Tổ chi hiện tại đời thứ 6  là ông Đào Hồng Quang (s1937).
Con trai Trưởng thứ 2 là Cụ Tiên Điều Phạm Đình Quang (Cuông) đời thứ 4 (Cụ Tiên Chỉ),Cụ có 9 người con: 7 trai, 2 gái. Cụ Bà trước: Đỗ Thị Cát (con gái lớn của ÔB Đỗ Huy Thứ và Vũ Thị Cỏn)  sinh được 2 trai đầu: Ông Khán Phạm Đình Đích, ông Phạm Đình Mão (Lang Khiêm), 2 gái sau: Bà Phạm Thị Vị (Khán Yến), bà Phạm Thị Hợi, Phạm Đình Tỵ mất sớm.
 Cụ Bà sau là Bà Quách Thị Bốn Lực người cùng làng sinh 5 trai: Phạm Đình Lục, Phạm Đình Khang (Thất), Phạm Đình Bát (Khiết), Phạm Đình Trọng (Cửu). Tổ đời thứ 5 là Ông Khán Phạm Đình Đích, Cụ làm lang y, sinh được 11 người con (5 trai,6 gái): Phạm Thị Tằng, Phạm Thị Thứ, Phạm Đình Sự, Phạm Thị Pha (mất sớm), Phạm Thị Nguyệt, Phạm Đình Quyền, Phạm Đình Chức, Phạm Quang Hóa (Đình Sắc), Phạm Thị Lý, Phạm Thị Loan (mất sớm), Phạm Đình Tong.
Tổ đời thứ 6 là Ông Phạm Đình Sự, làm bạn cùng Bà Yến cùng làng sinh 2 con gái: Phạm Thị Kim, Phạm Thị Nhì, Bà sau là Đào Thị Miễn người làng Mụa sinh 4 trai, 1 gái: Phạm Đình Tuấn, Phạm Đình Minh, Phạm Đình Mỹ, Phạm Thị Nga, Phạm Mạnh Cường.
Tổ đời thứ 7 là Phạm Đình Tuấn (vợ là Phạm Thị Hải người cùng làng) sinh 4 gái, 1 trai là Phạm Tuấn Anh, hiện đang sinh sống tại USA nên không có những liên lạc với dòng tộc nên hiện tại ở Việt Nam chuyển Tổ đời thứ 7 là Phạm Đình Minh (có 5 con:2 trai, 3 gái, 2 trai là Phạm Hoàng Đoan và Phạm Đức Thịnh)
Con cháu nội tộc của dòng họ ngành trưởng chỉ còn gia đình ông Phạm Đình Tong sống tại Kẻ sặt miền nam từ 1954, còn giữ được truyền thống tốt đẹp cùa làng, của Tổ tiên, ngoài ra hầu như sống xa quê, Ban mê thuật, Sài Gòn, Thủ Đức…và ở nước ngoài, hoặc ở những làng lân cận, nhưng tất cả đều tự hào và hướng về đất Tổ thân yêu.
Con cháu đời thứ 7 cũng không có nhiều điều đáng nói dù cuộc sống đã khá giả, có nhiều đóng góp với xã hội, đất nước, quê hương Kẻ Sặt. Ngày hôm nay con cháu đời thứ 8 nhiều cháu đã thành đạt chưa thống kê đầy đủ đã có những người là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư, Bác sĩ, Cử nhân…và còn rất nhiều cháu đang theo học nhiều trường Đại học trong nước và nước ngoài…
Con cháu dòng họ Phạm Đình sống ở nhiều nơi nên rất khó có thể liên lạc và gặp gỡ, chỉ hy vong sau này với phương tiện văn minh và với mong muốn tìm về cội nguồn, họ Phạm Đình tại Kẻ sặt sẽ nối kết và phát triển tốt đẹp hơn.
Phạm Đình Thọ( Nội tộc đời thứ 07 tục biên)

KẺ SẶT BẮC NAM Hình thành và phát triển

KẺ SẶT BẮC NAM
Hình thành và phát triển

Tại miền Bắc, trên quốc lộ số 5, ở khoảng 18 cây số cách tỉnh lỵ Hải Dương, nhìn về hướng nam người ta nhận thấy một ngôi Thánh đường vĩ đại với ba ngọn tháp cao vút in trên nền trời. Đó chính là làng Tráng Liệt hay Kẻ Sặt thuộc phủ Bình Giang, Tỉnh Hải Dương.
Kẻ Sặt miền Bắc rộng trên 4oo mẫu ta nằm trên bờ một con sông mang tên Kẻ Sặt từ 100 đến 300m, nước chảy điều hòa. Con song này xuôi về nam gặp sông Luộc, ngược lên bắc gặp sông Đuống dài 70km. Xung quanh là những cánh đồng phì nhiêu với những con đê cao, những lũy tre xanh làm thành vành đai phòng thủ kiên cố. Tứ phía đều có đường giao thông thủy bộ rất tiện lợi, tạo cho Kẻ Sặt có một cảnh phồn thịnh về kinh tế và thương mại với 3 ngôi chợ, chợ chính gọi là chợ Sặt rất quan trọng vì thiết lập ngay bên sông “ Trên bến dưới thuyền”.
Cùng với dòng chảy của lịch sử đất nước, lịch sử Kẻ Sặt cũng trải qua biết bao thăng trầm cùng đất nước.
Làng Sặt được hình thành từ hậu bán thế kỷ thứ 16. Trên 400 năm lịch sử, làng Kẻ Sặt đã có từ khi các Thừa Sai người Âu đến truyền bá Phúc Âm ( 1953 đời Lê Trang Tông)
-1626 Làng Tráng Liệt được hình thành và là trụ sở chính để truyền bá Phúc Âm của cả      xứ Đông.
1630 Giáo xứ Tráng Liệt Bình được thành lập nhận Đức Mẹ Mân Côi làm Bổn mạng. Thánh đường thứ nhất được xây cất ở khu Thượng.
-1695 Tráng Liệt trở thành giáo xứ toàn tòng,dân số vào khoảng 1000.
-1712 Chúa Trịnh Cương cấm đạo, Làng Tráng Liệt bị đốt ra tro, ngôi Thánh đường mới tu sửa may mắn thoát nạn.
-1721 Chúa Trịnh Cương cấm đạo lần nữa, Tráng Liệt bị bổ vây và cướp phá, 150 giáo dân bị giết và bị chôn vùi chung một ngôi mộ ghi chữ “giặc DaTô”, đến năm 1924 đã được cải táng đưa về chôn cất tại cánh đồng Bùi. Ông Luca Thu (60 tuổi) phải đầy đi La Phù (Quảng yên) và chết rũ tù ở đó, Ông là đấng Tử Đạo tiên khởi của Giáo xứ.
-1861 Thời bách hại của Vua Tự Đức, Tráng Liệt và các làng Công Giáo khác phải bị phân tán sát nhập với các làng bên lương, gọi là Phân Sáp, cũng do từ Phân sáp này mà năm 1884 khi các Thừa sai Tây Ban Nha trở lại, thấy làng “Phân sáp”này sầm uất như Kẻ chợ (Thành phố) nên muốn đặt tên là “Kẻ sáp” nhưng vì phát âm sai thành ra Kẻ sặt, từ đó Tráng Liệt Bình có tên mới là Làng Kẻ Sặt.
-03/05/1870 Trận bão lớn làm Thánh đường hư hỏng nặng.
-1872 Dời Thánh đường về trung tâm làng.
-1883 Xây dựng Tiểu Chủng viện, Đại chủng viện và trường Thày Giảng.
-1900 Họp Công Đồng Bắc Việt gọi là Công Đồng Kẻ Sặt (năm 2000 tổ chức lễ mừng năm Thánh 2000 và kỷ niệm 100 năm Công Đồng Kẻ Sặt, một phái đoàn trên 400 người ở Kẻ Sặt Miền Nam về tham dự).
-1927 Thánh đường được tu sửa mở rộng với kích thước chiều dài 120m, rộng 24m,cao 25m, Tháp giữa cao hơn 75m,với 5 quả chuông lớn, tiếng ngân vang xa 10km, hai tháp bên cao 50m.
Năm 1953 dân số Kẻ Sặt khoảng 10.000 người với 2500 nóc nhà, chưa kể những người nhập tịch tại khu thương mại, gồm từ các nơi cả Hoa kiều. Dân Sặt được mô tả là rất cần cù, khéo chân tay, đa số sống bằng nông nghiệp, nông sản chính là lúa gạo, rau đậu và thuốc lào Sặt rất được ưa chuộng, chả giò Sặt rất thơm ngon,bánh đa Sặt nổi tiếng và rất có giá trị để làm quà biếu, các nghề thủ công rất đa dạng như nghề đan lát,may cắt, kim hoàn, đúc rèn, đắp tượng, nung gạch ngói…
Giáo xứ Kẻ Sặt là một xứ Đạo lớn nhất Hải Phòng với đặc tính toàn tòng, đạo đức, nhiệt thành và sầm uất, ngôi Thánh đường được xây cất ở khu Thượng hồi giữa thế kỷ XVII, đã được dời về vị trí trung tâm làng hiện nay từ năm 1872, và được kiến thiết bằng vật liệu nặng. Năm 1927, ngôi Thánh đường được tu sửa và mở rộng thêm, và xây dựng thêm rất nhiều cơ sở tôn giáo. Đặc biệt, Kẻ Sặt đã đóng góp cho Giáo Hội 26 vị Anh hùng Tử đạo, trên 100 Linh Mục (trong đó có Đan viện phụ Chu Công và Giám Mục Vũ Văn Thiên hiện là Giám Mục Giáo Phận Hải Phòng) chưa kể rất nhiều Tu sĩ nam nữ.
Địa dư và tổ chức Làng.
Tráng Liệt thuộc Tổng Thị Tranh, Huyện Năng An,Phủ Bình Giang , Tỉnh Hải Hưng, Đông giáp làng Châu Khê, Tây giáp làng Phúc Bố, Nam giáp làng Thị Tranh, Bắc giáp làng Vĩnh Lại.
Tổ chức Làng Xã được chia thành Họ và lập 5 Giáp: Tráng, Hưng, Thọ, Phú, Cường, con số hiện nay là 27 Giáp. Làng có 4 Khu là Khu Thượng, Khu Trung, Khu Hạ và Khu Tư (gọi là Khu An Quý,2007 đươc nâng lên thành Giáo xứ An Quý), và các họ An Quû,Thủy Cơ, Phúc Càu, Bối Tượng. dưới mỗi khu còn có các ngõ:
*       Khu Thượng (7 ngõ): Phương Chính, Trung Chính, Quang Chính, Qui Chính,Thuần Chính, Đoan Đông, Đoan Tây.
*       Khu Trung (7 ngõ): Tràng Xuân, Đồng Xuân,Tân Xuân, Lạc Xuân, Trường Xuân,Tiên Đông, Tiên Tây.
*       Khu Hạ (8 ngõ): Ứng Hòa,  Ruyệt Hòa, An Hòa, Thanh Hòa, Trung Hòa, Hợp Hòa, Xuân Hòa, Nhân Hòa.
*       Khu Tư (Khu An Quý): Là Khu Phố nên không có ngõ, lúc đầu có 2 Giáp là An Thành và Liệt Thị sau thêm An Phú, An Nghĩa (đa số là người Bát Tràng).
Sau Khu và Ngõ còn có các Giáp. Kẻ Sặt có 27 Giáp: Tráng Nguyên, Hưng Nhượng, Thọ Thuận, Thọ Ninh, Thọ Thượng, Phú Thứ, Phú Giáo, Phú Cường, Cường Trung, Cường Thái, Cường Hòa,An Thành, An Phú, Phú Cường Thượng, Hưng An, Lộc Mỹ, Thọ Hành, Thọ Hòa, Phú Tráng, Phú Lộc, Phú Thọ, Cường Bản, Cường Hữu, Cường Đại, Cường Thượng, Liệt Thị, An Nghĩa.                
Sau biến cố 20-07-1954 chia đôi đất nước, một số di cư vào Nam, đa số đến cây số 8, thành lập Giáo xứ Kẻ Sặt 1 tại Hố Nai Biên Hòa (nay là Phường Tân Biên, Tp Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai). Kẻ Sặt 2 tại cây số 6 (nay là Giáo xứ Hòa Hiệp, Phường Hố Nai 1, Tp BH-ĐN), một số ở cây số 7 (Gx Bắc Hải) tập trung ở Đền Thánh Vicentê, ngoài ra còn ở tại Bình An, Xóm Mới, Cái Sắn, Ban Mê Thuật, Nha Trang, Lạc Lâm…
Về phương diện Tôn giáo, Kẻ Sặt 1 Miền Nam là một giáo xứ lớn thuộc Địa Phận Xuân Lộc. Ngôi Thánh Đường được xây cất từ ngày di cư, sau nhiều lần tu sửa đã được thay thế bằng ngôi Thánh đường mới, nguy nga hơn, công việc xây cất khởi sự 11-02-1973 và Khánh thành vào ngày 19-12-1974.
Công trình kiến trúc theo kiểu Á Đông tân tiến, mặt tiền Thánh đường xây theo kiểu tam quan có 3 ngọn tháp, kiểu mái cong, lợp ngói men xanh với những đường nét đơn giản. Kích thước chiều dài 72m,rộng 22m, cao 18m, Tháp giữa cao 40m, 2ngọn tháp bên cao 28m.
Kẻ Sặt 1 ở miền Nam quê hương mới vẫn được coi là gốc Làng.
Về Tổ chức vẫn còn giữ nhiều phong tục của Sặt Bắc, với 27 Giáp tồn tại của các dòng họ chuyên về tang chế, còn tổ chức thành các xóm hoạt động xã hội và tôn giáo.
*       Giáo Khu Thăng Thiên (1): 05 Xóm ( Thánh Tâm, Mân Côi, Kính Danh, Martino, Thuận Hòa)
*       Giáo Khu Mông Triệu (2): 07 Xóm ( Vô Nhiễm, Martin, Lộ Đức 1, Lộ Đức 2, Thánh Giuse XL,  Thánh Giuse, Hồng Ân)
*       Giáo Khu Giuse (3): 07 Xóm ( Thánh Giuse Lao Động, Mân Côi, Giuse Toàn Mỹ, Thánh Gia,Toàn Thiện, Giuse, Martino)
*       Giáo Khu Mai Trung (Gioan Baotixita) : 02 Xóm ( Anrê Dũng Lạc, Goian Tiền Hô)
*       Giáo Khu Hào Xá (Giáo họ Mân Côi) : 02 Xóm (Giuse, Đức Mẹ Vô Nhiễm)
Dân số Kẻ Sặt hiện tại 2007 là 6366 người hiện đang sinh sống trong làng.
Ngành phát triển chính là thương mại, chợ Sặt là một trung tâm thương mại lớn, là chợ sỉ và lẻ buôn bán từ Nam ra Bắc, vì nằm trên trục lộ giao thông Bắc Nam , buôn bán rất đa dạng ngoài ra ngành sản xuất cũng phát triển như Miến, Bún, Mì, Bánh mì, các loại bột…riêng ngành xây dựng tập trung nhiều các nhà thầu ,nghề sắt, nhôm rất phát triển và có uy tín…
Trên đà phát triển cùng đất nước, văn hóa cũng rất quan trọng, những lớp khuyến học và những lễ phát thưởng cho các cháu đạt thành tích trong học tập. Nhiều cháu đã là những Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư, Kiến trúc sư, Bác sĩ, Dược sĩ, Cử nhân…và rất nhiều sinh viên đang theo học tại rất nhiều các trường đại học trong nước cũng như ở nước ngoài.
Sau 30-04-1975, nhiều người Sặt đã đi ra nước ngoài sinh sống, nhưng dẫu đi đâu, ở đâu, người dân Sặt vẫn hướng về quê Mẹ với những trăn trở, đã hình thành nhiều hội Ái Hữu Kẻ Sặt hải ngoại để gắn bó sự đoàn kết và có những hoạt động giúp về quê Mẹ.
-11-10-1994 Xây dựng nhà Giáo Lý Văn Hóa, khánh thành ngày 10-10-1995.
-07-10-2004 Khởi công xây dựng hai tượng đài Đức Mẹ La Vang và Thánh cả Giuse.
-17-12-2004 Đức Cha Vũ Văn Thiên Giám Mục Hải Phòng làm phép và khánh thành hai   tượng đài Đức Mẹ La Vang và Thánh Cả Giuse tại khuôn viên nhà Xứ.
Năm 2005 kỷ niệm 50 năm thành lập Giáo xứ Kẻ Sặt Miền Nam.
Năm 2010 Thay tôn mái Thánh Đường.
Nâm 2011 Thay thế trần nhôm cho toàn trần Thánh Đường.
Kẻ Sặt , do đất đai hạn chế nên đã phát triển ra các Làng chung quanh và nhiều địa phương trên cả nước, nhưng khi có người qua đời , gia đình họ hàng đa số vẫn đưa về an nghỉ tại quê nhà Kẻ Sặt thân yêu.
___________________________________________________________________________
Tổng hợp từ: -“Nghĩ về quê hương Tráng Liệt Bình” Vi Sơn xb 1973-“26 Anh Hùng Tử Đạo Kẻ Sặt”        Chu Văn Nghiệp xb 1974-“Lịch sử đại cương Kẻ Sặt” Kim Nam-“Làng Kẻ Sặt.Com” 2007 những bài của soạn giả Vi Sơn- tài liệu tham khảo của Hội Ái hữu Kẻ Sặt.

QUÊ HƯƠNG KẺ SẶT TRÁNG LIỆT

QUÊ HƯƠNG KẺ SẶT TRÁNG LIỆT
“ VỀ NGUỒN”


Viết lại câu chuyện về Quê hương như là chuyện huyền thoại nhưng cũng là sự thực. Nó đã biến đổi trên mảnh đất làng Kè Sặt của chúng ta qua những câu chuyện kể lại của bậc Tiền bối đã sống và góp phần xây dựng quê hương Kẻ Sặt hàng trăm năm về trước.
             Chuyện kể lại rằng: Từ xa xưa lắm rồi có lẽ đã trải qua hàng năm sáu trăm năm sau công nguyên vào thế kỷ XV. Năm 1500 ở vùng đất này chưa có tên tuổi mà chỉ là vùng đất phù sa do dòng sông Tam Cửu bắt nguồn từ sông Hồng Hà qua phố Hiến nay là thị xã Hưng Yên, dòng sông qua Kẻ Sặt nối vào sông Luộc tại thị xã Hải Dương (Nay là thành phố Hải Dương – năm 2000) rồi qua Phú Lương chạy ra biển.
             Từ mảnh đất này còn có đường giao thông thủy từ đây đi phố Hiến ra sông Hồng đi vào miền Thanh – Nghệ Tĩnh, và cũng từ đây đi ra biển Đông (Hải Dương) qua sông Hàn tới Hải Phòng, đi theo ven biển tới Trà Cổ - Quảng Ninh sang Trung Quốc. Cũng từ đó tới nay bao biến cố đổi thay nhưng chẳng còn để lại một bút tích văn bia gì làm bằng chứng của quê hương này mà chỉ được nghe lời kể lại như sau:
             Vào cuối thế kỷ XV, năm 1500 có một vị quan tước Triều đình húy danh là Chu Tam Xương quê vùng Nghệ An. Sau khi người đã hoàn tất công lao giúp Triều đình an dân đất nước, người được mãn nhiệm và được Triều đình ban đặc ân cho người được quyền đi tìm nơi đất tốt để khai khẩn xây dựng bản doanh theo ý muốn, do đó người đã được chỉ sắc Vua ban ra vùng tỉnh Đông. Người đã cùng người em gái húy danh là bà Chu Thị Liệt cùng con cháu họ tộc ra tỉnh Đông sinh cơ lập nghiệp. Khi ra tới tỉnh Đông cùng quân sư cắm lập bản doanh tại khu Nam làng Sãi (nay gọi là Nghè Sãi). Nghè Sãi cũng có thể là Nghè miếu thờ cụ Chu Tam Xương. Còn bà Liệt và con cháu họ tộc lập trang trại tại Ngấn Ngoài phía từ bến xe đầu phố Sặt ra tới đương ga cũ nay gọi là Đo đạc (Thế kỷ 20 còn lập nên chợ trâu, chợ lớn ở đó), sau đó người mộ thêm dân cư các nơi về khai khẩn. Nhưng chẳng bao lâu thì Triều đình biến động, giặc phương Bắc lan tràn quấy phá đất nước và càn quét truy tìm các bậc Tiền nhân để hãm hại, cảnh loạn ly bùng nổ, bản doanh của Cụ Xương bị tàn phá, Cụ cùng số tùy tùng bị giặc bắt  sau đưa tất cả về Gò Cao (Nay là dinh thự họ Đào gọi là ngà ông Trùm Tám từ đầu thế kỷ XIX). Cụ Xương bị giặc cắt đầu đem về nộp cho Chúa phương Bắc, còn trang trại của bà Liệt cũng thành bình địa. Sau đó Bà cùng thân tín gia tộc chạy loạn tránh được giặc, trở về chôn cất thi thể của Anh và các thân tín tại nơi pháp trường đó. Theo câu chuyện kể lại: “Khi Bà về thấy Anh bị mất đầu rồi, thì Bà đúc một đầu vàng cùng tượng vàng chôn theo cùng thi thể của Anh mình”.
             Do đó sau mấy trăm năm khi làng Sặt hình thành, thì cạnh Gò có đào hào tiêu nước cốt thủy ra sông làm cho đất xói mòn vào tới phần mộ của Cụ và đầu vàng tượng vàng dần dần theo cốt thủy bật ra, Ông Trùm Tám đã nhận được hai lần.
             Lại kể rằng: “Sau khi Bà Liệt đã chôn cất thi thể của Anh và các tùy tùng rồi, Bà không về lập lại trại cũ nữa mà Bà đã cùng những người thân sống sót đã chuyển vào cắm lập trang trại mới tại Gò Cao (bây giờ là khu nhà Mụ). Trang trại được hình thành Bà cùng người thân khai khẩn đất hoang để sản xuất cây trồng. Lúc đó giặc giã đã tan, sự bình yên đã ổn định, cùng lúc đó dân chúng ở khắp nơi thấy vùng đất có nhiều màu mỡ nên đất tốt thì cò đến đậu, thế rồi dân cư khắp nơi dần dần cùng về khai khẩn và lập nên các trang trại mới, đật tên các trang trại mới khai khẩn mới là: Trại Ngái, Xóm Ngái - Trại Bến sông Khu Hạ - Trại Giữa, Xóm Đình, Trại Cổng Giỏ Khu Thượng, Trại Vành Lao Xóm Kết Khu Trung v.v… Sau đó các trang trại các xóm cứ phát triển rộng ra, nối tiếp nhau cho đến khoảng thế kỷ XVII các Trang trại hình thành thôn Trang. Để tôn vinh bà Liệt nên đã lấy tên thôn là “Liệt Thôn” và sau đó đổi thành thôn “Trang Liệt”, có û nghĩa là: Trang là các trang trại hợp lại thành thôn, còn Liệt là suy tôn bà Liệt. Cho đến thời kỳ Vua Trang Tôn lên ngôi phải tránh húy Vua nên Trang Liệt phải đổi thành Tráng Liệt.
                        Vào thời điểm đó xung quanh Tráng Liệt đã có nhiều thôn như Chanh Ngoài, Chanh Trong, thôn Châu Khê v.v…thì việc giao lưu giữa Tráng Liệt với các thôn có nhiều quan hệ về mọi mặt, chẳng hạn như thôn Châu Khê và Làng Sặt đến ngày nay còn để lại truyền thuyết như: câu chuyện con Rồng, Mắt Rồng và Lũy GiaTô, Ao Đức Bà, Khu Vườn Thánh v.v…
             Những câu chuyện về nguồn gốc của quê hương Kẻ Sặt vẫn chỉ là những truyền thuyết vì không đủ tài liệu thuyết phục.
             “Ngày 20/12/1972 , cha Đào Nguyên Thống, trong bài “Lịch sử làng Tráng Liệt” đã dựa vào ít điều truyền khẩu, dè dặt đưa ra một giả thuyết “ Quê hương Kẻ Sặt bắt đầu hình thành từ hậu bán thế kỳ thứ 16, khoảng năm 1554. Ông Tổ người làng Vân Đồn,tỉnh Nam Định, hiệu là Tráng, kết hôn với bà Liệt, quê ở đâu không rõ…Hai ông bà chung sống với nhau, sinh được 7 người con, 5 trai 2gái. Vào thời giặc giã nhiễu nhương, hai ông bà đưa con cái và ít người thân cận di cư tới một nơi gọi là Laga và lập trại ở đó. Thấy làm ăn phồn thịnh, một số người khác xin nhập trại, phần lớn là người tỉnh Nam Định. Sau đó tên của hai ông bà được dùng để đặt tên cho khu vực tân sinh này. Danh hiệu Tráng Liệt chào đời từ đó…”
             Tiếp theo là ông Vi Sơn, tác giả cuốn “ Nghĩ về quê hương Tráng Liệt Bình”, xuất bản ngày 9/8/1973, cũng căn cứ vào một vài nguồn truyền khẩu đưa ra giả thuyết: “Vào năm 1553, có hai ông bà tên là Phạm Ngọc Minh và Lê Thị Thông, đã theo đạo công giáo, từ Thanh Hóa phiêu bạt đến Hải Dương vì lý do sinh kế. Lúc đầu, ông bà sống tại làng Châu, cách Kẻ Sặt khoảng 3 cây số về hướng đông nam. Sau ông bà lại đến lập nghiệp ở khoảng 4 cây số, về phía bắc làng Châu. Đó chính là khu vực cầu sắt và nhà ga, thuộc Kẻ Sặt ngày nay… Vua Lê Thế Tôn (1573-1599) vì thấy chữ Trang trùng với tên Tổ phụ là Lê Trang Tôn (1553-1548) nên Ngài đã ra dụ đổi thành chữ Tráng, để tránh húy và thêm chữ Bình để phân biệt với làng Tráng Liệt thuộc huyện Thanh Hà…”[1]
             Và theo lời truyền tụng của các bậc tiền nhân trong dân xứ và một số đàn anh trong Giáp Cường Bản nghe và thuật lại:
             “ Vào cuối thế kỷ 14 trở về trước, địa điểm làng chúng ta là một cánh đồng trống, diện tích khoảng 400 mẫu, tại đây tứ phía đều có đường giap thông thủy bộ rất đẹp cho địa thế rất tiện lợi cho làng ta có một cảnh phồn thịnh về kinh tế và thương mại.
             Theo lược sử truyền ngôn kể lại: Nguyên tổ chúng ta có một bà tên Liệt (nghe đâu dòng họ Phạm), Bà là người làng Châu Khê, cách làng ta bấy giờ chừng 3km. Bà xuất giá kết hôn cùng một vị quan đại thần Triều đình Lê tên Chu Y Cương (nghe nói Bà hạ sinh 02 con gái, không có con trai). Ít lâu chồng chết, Bà phải rời kinh đô trở về đồng ruộng làm ăn, bấy giờ Nhà Vua không có ngân khoản nào để cấp dưỡng, nên đặc ân cho bà được tự do lựa chọn địa điểm để lập kế sinh nhai. Vì thế, Bà đã chọn địa điểm sinh sống tại cánh đồng trống kể trên tức làng Tráng Liệt Bình. Đầu tiên, Bà đặt địa điểm cư trú tại Máng Độc gần làng Vĩnh Lại (tức làng Sải bây giờ). Địa điểm này về phía sông Sặt, vì khi ấy có cầu qua sông (bây giớ mới có cầu gọi là cầu Sắt hay cầu Sải vì cầu này giáp cư giáp canh của hai địa phận).Mỗi khi muốn qua sông để ra quốc lộ số 5 phải nhờ đò, bấy giờ có đò ông Chất (gọi là đò ông Ác) đò chở qua sông Phúc Bố (gọi là làng Búa) hay còn gọi là d0ò ngang qua bên bờ Cửu Trinh. Tại nơi đây gọi là Máng Độc (nơi đó có hào máng nước chảy dơ bẩn nên gọi là Máng Độc). Bà cùng hai con sinh sống được ít năm, tại đó về sau sinh ra trộm đạo cướn bóc đêm ngày luôn luôn, cùng xảy ra nhiều tai nạn khủng khiếp. Vì Mẹ góa con côi nên sợ sệt rời bỏ nơi đây lui trở về địa điểm giáp đê gọi là khu Đằng Vối, và sau này cũng là địa điểm lập làng đầu tiên gọi là khu Thượng bây giờ. Tục truyền kể lại: Bà Nguyên Tổ tên Liệt, nên Bà sinh sống nơi đó gọi là Thôn Liệt (tức xóm Liệt Thôn). Lúc đó vào đầu thế kỷ 15 (1533) đời Lê Trang Tôn. Về sau Thôn Liệt này dân cư mỗi ngày một đông và ngày càng phồn thịnh”[2].
             Lại kể rằng Đạo KiTô xâm nhập vào làng Sặt như sau:
             Khi quê hương thứ 2 của bà Liệt đã hình thành thôn, làng thì lại vỡ đê Sông Hồng, lụt hồng thủy đã làm tràn ngập khắp các vùng Hưng Yên, Hải Dương. Trước đó các khâm sai của Bồ Đào Nha- Bồ Đào Nha, Pháp, Ý…cũng đã thâm nhập tuyên truyền Đạo KiTô vào Việt Nam, do đó đã có ảnh hưởng tới vùng tỉnh Đông. Nên khi vỡ đê nước tràn về Sặt nhưng trang trại Bà Liệt ở gò cao, thấy các bức  ảnh tượng KiTô giáo từ Châu Khê trôi dạt vào xung quanh thì cháu chắt bà Liệt cho là sự màu nhiệm của Thiên Chúa đem đến cho thôn Trang nên đã cùng nhau vớt lên lau khô, đem trịnh trọng đặt vào nơi tôn nghiêm để chiêm ngưỡng (lúc đó chưa hiểu gì về giáo lý). Sau đó các thầy Thừa sai nắm bắt được tình hình nên đã lui tới tuyên truyền Đạo KiTô được nảy nở trên mảnh đất của Bà Liệt. Rồi cộng theo với việc truyền bá thì còn có nhiều đầu mối của các họ tộc khắp nơi đã có đạo như họ Đào từ miền Nam Định, họ Phạm từ đất tỉnh Đông; họ Quách, họ Vũ từ các nơi sát nhập về nơi đất tốt cò đậu này đã làm cho xứ đạo KiTô giáo chóng hình thành rộng ra hơn. Đến thế kỉ 17-18 đã thành làng Đạo KiTô toàn tòng.
Chuyện kể rằng: “Các ảnh tượng từ Châu Khê trôi theo dòng nước xoáy vào trang trại bà Liệt, những ảnh tượng đó là do các bậc quí phái của Châu Khê làm đồ mỹ nghệ ở Hà Thành tức là Hàng Bạc – Hà Nội bây giờ, các vị có điều kiện đi xuất dương (du lịch ở các nước Châu Âu thấy các bức họa đẹp thì mua vế để chiêm ngưỡng chưa phải là làng theo đạo KiTô giáo, nhưng khi nước lũ cuốn sang làng Tráng Liệt, nên từ khi làng Sặt hình thành đạo KiTô cho đến nay thì nhân dân Châu Khê vẫn nhận là đạo KiTô giáo từ Châu Khê sang Sặt và đạo KiTô là của Châu Khê”.
Hiện nay Châu Khê cũng chẳng có gì để chứng minh của đạo KiTô, nhưng có một ao của làng nhượng cho nhà xứ Kẻ Sặt đến nay vẫn gọi là Ao Đức Bà và có tên gọi là Làng Gia Tô. Theo tuyên truyền thì khi làng Sặt bị bách Đạo Gia Tô các ông kỳ hào, kỳ mục, Cha ông người Sặt bấy giờ chạy sang Châu Khê sống thì được nhân dân Châu Khê che chở lấy khu lũy làng hiểm trở để cho các vị kỳ mục của Sặt ẩn nấp cho đến khi hết đợt Bách Đạo. Do từ đó đến nay nhân dân hai làng vẫn giữ được tình cảm và gắn bó với nhau.
 Chuyện kể về xây dựng  Khu Thánh Đường là: sau khi Trịnh-Nguyễn phân tranh thành các tỉnh Đàng Trong và các tỉnh Đàng Ngoài rồi  Chúa Nguyễn xuống chiếu Bách Đạo Gia Tô lần 2.  Lần này các tín đồ và nhân dân Sặt lại bị tàn sát và cuộc li tán tan tác.
Sau vụ thảm sát đó rồi nhà Nguyễn suy tàn, dân làng Tráng Liệt lại được hồi phục và càng phát triển lớn ra về mọi mặt, nhất là về đạo KiTô, do đó dân làng đã xây lại ngôi nhà thờ để lấy nơi tôn thờ Thiên Chúa.
Thánh Đường được xây dựng tại khu Trang Trại Bà Liệt (là nhà Phước bây giờ). Khi có Thánh Đường rồi thì các tổ chức của giáo hội được hình thành và được các thầy cả của Y Nha Pho-Bồ Đào Nha cử về trông nom coi sóc và truyền dạy giáo lí chăm lo phần tâm hồn giáo dân.
Nhưng rồi cuối thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XIX nhân dân thôn Tráng Liệt lại bị Minh Mạng, Tự Đức Bách Đạo Gia Tô. Cha ông người làng Sặt lại bị đầu rơi máu đổ một lần nữa và nhiều người bị bắt đi phân sáp ở các làng như: Cương + Hai +Giọn xã Thái Dương; Lí Đỏ xã Tân Việt; Nhân Kiệt xã Hùng Thắng, Phú Thứ xã Cổ Bì; Bình Cách, Quàn xã Bình Xuyên huyện Bình Giang. Còn nhiều người chạy lên phía Bắc và nhiều nơi khác. Lần này làng Sặt bị chém đầu 26 ông trong đó có cả linh mục Thầy Khang và các ông Khán, ông Trưởng và cả các ông là lính lệ của thời đó, nhưng do theo đạo không chịu bước qua thập giá nên cũng bị chém đầu. Sự kiện này còn in nét đậm và lưu truyền trong nhân dân Tráng Liệt đến ngày nay.
Sau cuộc Bách Đạo Gia Tô lần ba rồi, thì dân chạy loạn lại tiếp tục về xây dựng lại thôn Tráng Liệt mỗi ngày càng hưng thịnh hơn. Đến thế kỉ XIX Pháp sang xâm lược nước ta lấy danh nghĩa là bảo hộ thì làng Tráng Liệt được tổ chức theo khu vực hành chính và lúc đó dân số tăng nhiều, làng được mở rộng và sát nhập khu xóm chùa, Vành Lao, Ngõ Kết của họ Dương rồi thành lập xã và lấy tên là xã Tráng Liệt và tên làng lấy là làng Kẻ Sáp ( ý Kẻ Sáp là: những kẻ có đạo phải đi phân tán khỏi làng và phải sát nhập vào các làng khác). Do đó gọi là làng Kẻ Sáp (lấy từ điển chữ Nôm). Rồi cứ dần tên Sáp thành tên Sát, rồi sang đến thế kỷ XX khi xây dựng lại Thánh Đường tại trung tâm làng thì tên gọi là nhà thờ Kẻ Sặt, giáo xứ Kẻ Sặt; đồng thời cũng gọi theo là làng Kẻ Sặt, giáo xứ Kẻ Sặt cho đến nay.
Khi hình thành xã theo tổ chức hành chính lúc đó thì xã Tráng Liệt thuộc Tổng Thị Chanh và thôn Châu Khê và Tổng Thị Chanh thuộc phủ Năng An, rồi đổi là Bình An. Sau đó thành huyện Bình Giang, từ đầu Pháp thuộc thì khu đồn binh của Pháp đặt tại cạnh khu Hạ vì làng Sặt chia làm ba khu: khu Thựơng là trang trại chính của bà Liệt, khu Trung là nơi trung tâm giữa làng, Khu Hạ là khu giáp đồn binh của Pháp. Sau đó Pháp cho chuyển thủ phủ huyện về đồn binh Sặt gọi là huyện lị Bình Giang, có bộ máy hành chính của quan lại dưới quyền của Pháp thuộc.
Cũng khoảng thế kỷ XIX có 5 cụ thuộc 5 giòng họ, một là cụ Bang Tá Vấn họ Phạm cha đẻ cụ Trùm Chỉnh, hai là cha đẻ cụ Trùm Châm, ba là cha đẻ cụ Trùm Sưu, bốn là cha đẻ cụ Trùm Xướng và một cụ thuộc họ Đào đã cùng nhau ra khai khẩn sình lầy ven sông Sặt từ cạnh khu Hạ lên đến Thịnh Vạn (đầu cầu Sặt bây giờ) cho đến khi mở đường quốc lộ 20 và Pháp bắc cây cầu qua sông gọi là cầu Sắt, rồi là cầu Vạn hoặc cầu Sặt…
Từ đó dân cư và con cháu các cụ ra xây dựng cơ ngơi nhà cửa dần dần trở thành khu trù phú nhất làng Sặt và dần dần dân các nơi về lập nghiệp buôn bán nên gọi là phố Sặt và là khu 4 của làng Sặt. Đồng thời đạo Kitô được mở rộng ra, đến năm1922 giao dịch di chuyển nhà thờ Thánh Đường về giữa làng, đầu giáp khu Thượng, hông phải giáp khu Hạ, mặt tiền hông trái giáp khu Trung và thành lập khu Nhà Chung tại đầu nhà thờ bây giờ. Còn khu nhà thờ trang trại Bà Liệt cả nhà xứ xây dựng thành khu nhà Phước tức nhà Mụ ngày nay. Đồng thời khu phố các cụ cũng xây dựng một ngôi đền thờ Thánh An Tôn vào năm 1923 và đặt tên là họ An Qúy. Cũng từ đó nhân dân Kẻ Sặt mỗi ngày phát triển đông đúc, việc làm ăn đời sống được phát triển và phát triển nhíều ngành nghề thủ công và kinh doanh buôn bán với nhiều nơi. Do đó các cụ xây dựng nên một khu chợ lớn goi là chợ Sặt, trên bến dưới thuyền, mỗi ngày được thuận lợi cả về giao thông thủy bộ với khắp nơi. Ngoài ra còn có các khu đồng ruộng phì nhiêu màu mỡ phát triển cây trồng 4 mùa như: lúa, khoai, su hào, bắp cải, bí đao, thuốc lào… nên đời sống dân cư được sung túc nhất vùng. Về mặt giáo hội thì Tòa Rôma xác nhận Kẻ Sặt là xứ đạo lớn (chính xứ) và đã cử các vị Linh mục sang coi giữ xứ đạo Kẻ Sặt để đáp ứng nhu cầu cho việc hành đạo của giáo dân mỗi ngày một đông. Vì vậy đến năm 1929 (thế kỷ XX) do được sự tài trợ của Tòa Rôma, của Pháp và sự đóng góp của giáo dân nên Hội đồng giáo xứ lúc đó đã được lập nên và cùng Hội đồng kỳ hào và Linh mục chính xứ là Iphanho có tên là Cha Phê đã quyết định xây lại nhà thờ lớn là nhà thờ hiện nay (khởi công xây dựng đến hoàn thành là 4 năm trời 1929-1933).
Thôn Trang Liệt, làng Tráng Liệt, xã Tráng Liệt và xứ đạo Kẻ Sặt để người Kẻ Sặt chúng ta dù sống ở nơi đâu chúng ta vẫn luôn luôn hướng về quê hương đất mẹ và thể hiện người Kẻ Sặt luôn giữ gìn đức tin làm cho cuộc sống thực sự tốt đời đẹp đạo, đồng thời  hòa mình vào cuộc sống của dân tộc, được chung sống hòa bình, hạnh phúc với nhân loại tiến bộ.
 Dù ở góc độ nào, hoặc là giả định nào, dù là truyền thuyết thì mọi người quê hương Kẻ Sặt chúng ta cùng nhau đời đời ghi ơn sâu nặng những người có công xây dựng nên thôn Trang Liệt, làng Tráng Liệt, xã Tráng Liệt, xứ Kẻ Sặt .
Theo ghi chép của Phạm Văn Quý
Trong “Kẻ Sặt ngày ấy-bây giờ”


Text Box: Tiên tổ phương danh lưu quốc sử.
Tử tôn tích học kế gia phong.
(Tiên tổ danh thơm ghi sử nước
Cháu con tích học nối nghiệp nhà).
 


[1] Hồng Nguyên: Quê hương tôi (làng Kẻ Sặt.com) viết thêm
[2] Tài liệu của Giáp Cường Bản- viết thêm